Đánh giá

Năm 2020, thị trường nhà ở Sài Gòn bị thay thế bằng sự bùng nổ của các tỉnh vùng ven và xu hướng này còn kéo dài sang năm tới.

Tại hội thảo Bắt mạch dòng tiền vào bất động sản 2021, nhiều chuyên gia cho rằng các thị trường vệ tinh ở tỉnh lân cận đang nổi lên là điểm “nóng” đầu tư khi liên tục “chiếm sóng” của TP HCM trong suốt năm 2020, và có thể tiếp diễn trong 12 tháng tới.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, năm 2020 ,dữ liệu thị trường nhà ở tại TP HCM xuất hiện nhiều bước lùi vì ba quý đầu năm chỉ có 9.214 căn hộ được chào bán, chỉ có 8.900 căn hộ được giao dịch thành công, giảm 60% so với cùng kỳ. Nếu nhìn vào các con số này, rõ ràng thị trường TP HCM có dấu hiệu bất ổn về nguồn cung và thanh khoản.

Trong khi đó, Bình Dương lại tăng trưởng 150% nguồn cung với 8.200 căn hộ được chào bán và tiêu thụ tốt. Đây là động thái trước nay chưa từng có tại thị trường Bình Dương, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện tỉnh vệ tinh đang rượt đuổi và cạnh tranh sức nóng với TP HCM.

Nhưng Bình Dương không phải một ngoại lệ khi trong năm 2020 cũng xuất hiện Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, các vệ tinh có kết nối giao thông tốt về Sài Gòn đều ồ ạt bung hàng nhà phố, biệt thự với nguồn cung vượt trội so với TP HCM

Các thị trường lân cận nhiều khả năng tiếp tục trở thành thị trường thay thế và soán ngôi Sài Gòn để trở thành những điểm nóng thu hút đầu tư trong 12 tháng tới. “Doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng đi xa hơn, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới bên ngoài TP HCM để sinh tồn, phát triển quỹ đất dự án, từ đó giới đầu tư cũng theo chân họ đến các thị trường vệ tinh”, ông Kiệt nhận xét.

Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land thừa nhận, khi đại dịch Covid-19 diễn ra đầu năm 2020 hầu hết đơn vị kinh doanh đều lo lắng và ý thức được cần thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi sản phẩm để nhắm đúng nhu cầu của người dân. Nhận thấy thế mạnh của Việt Nam là du lịch, Covid-19 có thể lấy đi 1-2 năm khó khăn nhưng về lâu dài, du lịch vẫn phát triển và là ngành mũi nhọn.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp dịch chuyển điểm nóng quỹ đất đi xa hơn. “Hưng Thịnh linh hoạt di cư ra các thị trường vệ tinh quanh Sài Gòn, thậm chí là các tỉnh ven biển xa hơn nữa. Xu thế này có thể vẫn tiếp diễn trong thời gian tới”, ông Nhiên nói.

Giới chuyên gia xác nhận bất động sản vệ tinh “chiếm sóng” TP HCM trong năm 2020 là do thủ tục pháp lý phát triển các dự án nhà ở tại Sài Gòn kéo dài nhiều năm liền khiến nguồn cung tắc nghẽn cục bộ, đẩy các doanh nghiệp tại TP HCM buộc phải di cư về các tỉnh thành khác dễ phát triển dự án hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, TP HCM có thể bị giảm sức hút đầu tư và bị các tỉnh vệ tinh chiếm thị phần.

Tuy nhiên, đánh giá về hiện tượng các doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn đều lần lượt di cư về các tỉnh thành khác để phát triển dự án, ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Trường Đại Học Fulbright Việt Nam cho rằng đây là diễn biến bình thường của quy luật đất lành chim đậu.

“Tôi ủng hộ khái niệm bỏ phiếu bằng chân, nghĩa là người dân và doanh nghiệp được quyền lựa chọn chỗ nào khó bỏ đi, chỗ nào tốt họ tìm đến. Đây chính là áp lực tích cực thúc đẩy sự thay đổi cho giai đoạn phát triển mới”, ông Thành nhấn mạnh.

Mặt khác, ông Thành khẳng định thêm, hiện đầu tư công đặc biệt là cơ sở hạ tầng được Chính phủ ưu tiên tập trung giải ngân. Trong 5 năm tới, phát triển hạ tầng nếu làm tốt sẽ là cú hích thúc đẩy phát triển đầu tư công nghiệp, đầu tư du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ hơn cho các địa phương Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng… Đây cũng là lý do bất động sản khu vực vệ tinh hứa hẹn tăng sức hấp dẫn trong thời gian tới.